Trong báo cáo gửi Quốc hội,ômnayQuốchộichấtvấnBộtrưởngCônganNộivụxsag Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội về trật tự xã hội, làm 1.200 người chết, thiệt hại tài sản khoảng 13.200 tỷ đồng (tăng gần 460% so cùng kỳ). Nhóm tội phạm chiếm tỷ lệ cao là giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em; cướp, trộm cắp, lừa đảo. Trong số này nổi lên hành vi mua bán nợ, đòi nợ thuê để cưỡng đoạt tài sản; lừa đảo trên không gian mạng.
Giai đoạn trên có 5.700 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, gần 800 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ. Lĩnh vực chủ yếu là kiểm định phương tiện giao thông; đào tạo, sát hạch lái xe; quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá; tài chính, ngân hàng; chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Về lĩnh vực tòa án, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết 9 tháng đầu năm 2023, các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản trong 147 vụ với 490 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Tổng số tiền và tài sản thu hồi là hơn 1.200 tỷ đồng.
Từ tháng 10/2020 đến hết tháng 6/2023, các tòa án đã thụ lý 1,45 triệu vụ việc, giải quyết 1,28 triệu, đạt 88%. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án hàng năm đều đáp ứng chỉ tiêu của Quốc hội. Việc xét xử các vụ án hình sự "bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm".
Bộ trưởng Nội vụPhạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ đã thực hiện đồng bộ giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. So với năm 2015, cả nước đã giảm hơn 27.500 biên chế công chức (tương ứng 10%) và giảm gần 236.400 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách. Đội ngũ công chức viên chức cũng từng bước được cơ cấu lại và bố trí rõ vị trí việc làm, phù hợp với trình độ, năng lực.
Về tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, Bộ Nội vụ cho rằng đây là thực trạng xảy ra ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực trạng này xảy ra trong đầu tư công, đấu thầu, quản lý đất đai, y tế, xây dựng, giải quyết thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Từ 15h ngày 7/11 đến 9h30 hôm sau, Quốc hội sẽ chất vấn lĩnh vực cuối là khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái khi trả lời chất vấn chiều 6/11 thừa nhận một số chỉ tiêu chưa đạt, cần phải phấn đấu và nỗ lực trong thời gian tới như tỷ trọng chi cho khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa và xã hội.
Theo quy định hiện nay, Việt Nam phải dành 20% tổng chi ngân sách để bố trí cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Bình quân thực tế hàng năm đã bố trí khoảng 14,7%; kế hoạch đầu tư công cũng dành khoảng 3,7% chi đầu tư phát triển cho giáo dục.
"Chính phủ xác định đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững của đất nước, nên sẽ quan tâm bố trí nguồn lực cho các lĩnh vực này", Phó thủ tướng nói.