Người thầy thuốc thích chối từ
Tôi tha thiết giãi bày ước muốn được nhân những tia nắng thiện lành,âypơmutrênnúthái muốn nhiều người khốn khổ quê em hay bất kỳ miền quê nào khác được bớt đi phần nào bất hạnh, em mới "xuôi", nhưng vẫn không quên căn dặn: "Chị viết bớt đi cho em đỡ ngại!".
Tuân tặng hàng ngàn áo ấm cho trẻ em vùng cao
NVCC
Rồi cậu cười, gương mặt gầy, khắc khổ nhưng đôi mắt đen, sáng và ấm áp. Cậu là Giang Trịnh Tuân, người thầy thuốc có trái tim Bồ tát ở Nậm Búng, Văn Chấn, Yên Bái.
Tôi biết đến Tuân khi sức khỏe gặp biến cố sau Covid-19. Qua một người bạn giới thiệu, tôi nhờ Tuân điều trị. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là khi lấy thuốc, tôi muốn gửi tiền thì cậu khăng khăng từ chối. Tuân bảo, chị cứ uống, đỡ thì hãy gửi. Tôi cười: "Em không sợ bị 'bùng' sao?". Cậu nói: "Cũng có người từng 'bùng'. Nhưng em hiểu, làm vậy là họ đang rất khó khăn. Coi như mình giúp họ. Có người 5 - 10 năm sau quay lại tìm em gửi tiền, họ nói vì áy náy quá mà trở lại, em thấy thương họ thực sự".
Rồi Tuân chia sẻ thêm, em đến với nghề thuốc là duyên, em chỉ lấy công những anh chị có điều kiện, còn lại hầu như chỉ lấy tiền nguyên liệu. Ai bệnh trọng, không may ung thư, hoàn cảnh khó khăn, vô sinh em đều tặng thuốc. Em nghĩ giản đơn rằng giúp được ai điều gì thì phải cố hết sức. Khi mình nằm xuống, có muốn giúp cũng chẳng được nữa rồi.
Gieo hạt nắng vô tư
Và Tuân đã làm đúng như em nghĩ. Khi TP.HCM oằn mình trong đại dịch, Tuân và vợ đêm ngày làm thuốc. Em hiểu hơn ai hết nỗi khổ của những bệnh nhân F0, nỗi cực nhọc của những người thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân đến quên bản thân mình.
Tuân đã gửi vào tâm dịch 1.000 chai dung dịch vệ sinh, 1.000 chai nước súc miệng, tặng anh em, bạn bè và người dân vùng dịch 8.000 gói bột cúm. Tuân kể, nhiều đêm em không ngủ nổi. Cứ lên giường nằm là hình ảnh những bệnh nhân Covid-19, những y bác sĩ lại hiện ra. Em bật dậy, quyết tâm giúp một chút sức lực của mình. Thế nên, nhiều ngày em chỉ chợp mắt 2 - 3 tiếng. Đợt đó, em gầy xọp, nhưng em vui lắm.
Tuân kể thêm, em lấy tiền công chữa bệnh để giúp người nghèo. Vì phải đi kiếm thuốc khắp hang cùng núi thẳm, nên cậu chứng kiến quá nhiều mảnh đời tội nghiệp. Những đứa trẻ trần truồng, tím ngắt, bần bật run lên giữa mùa đông đại ngàn buốt giá khiến tim cậu nhói. Những cụ già bệnh trọng nằm co ro trong mảnh chăn mỏng manh, trên chiếc giường ọp ẹp, ngôi nhà tứ phía gió lùa khiến em rớt nước mắt. Xót xa nhất là hình ảnh người bà bị chứng thần kinh phải nuôi 3 đứa cháu dại khờ… Đó là lý do Tuân không thể không trở lại. Em mang cho họ nào là tấm áo ấm, mới tinh thơm mùi hồ vải, là những chiếc chăn, những bao gạo, đồ ăn nóng hổi, những nụ cười tươi, những cái ôm siết chặt…
Ấm lòng hơn cả là những ngày giáp tết, khi nhà nhà người người lo trang hoàng sắm tết cho mình, thì vợ chồng Tuân lại miệt mài lo sắm tết cho người. Hai vợ chồng trẻ rong ruổi khắp nơi, "tìm" người nghèo để tặng quà. Vẫn là những manh áo, những chiếc chăn ấm áp, những bao gạo nghĩa tình, nhưng lần này, có thêm cả những phong bao lì xì đỏ thắm - thứ mà có người cả đời chưa từng được chạm tay. Bởi thật giản đơn, cậu muốn họ cảm nhận được ý nghĩa của từ "tết" trong những ngày buồn dài dặc của cuộc đời.
Khi tôi hỏi xin những tấm ảnh làm thiện nguyện, Tuân cười: "Em gần như không chụp bao giờ. Ai biết em thì chụp lại, thi thoảng gửi riêng cho em thôi".
"Cậu đến mà không báo trước?", tôi hỏi.
"Dạ không, em thường 'đánh du kích'. Em không muốn họ đón tiếp, không muốn họ nhớ tên, chỉ cần họ ấm lòng hơn một chút là mình vui rồi!", Tuấn nói.
Năm 2019, Tuân đã tặng 1.860 áo ấm cho học sinh Trường mầm non và tiểu học Sài Lương, phổ thông dân tộc Bán trú tiểu học Cao Phạ, tiểu học Nậm Pẳng, mầm non Phình Hồ… Nơi nào khó khăn thì Tuân thầm lặng đặt chân tới đó. Không kể đó là Văn Chấn quê hương, mà rộng ra cả Mù Cang Chải; không chỉ Yên Bái mà cậu còn tìm đến tặng cho người khó ở Sơn La, Thanh Hóa, Lai Châu…
Tuân và vợ tặng đồ ăn cho trẻ
NVCC
Hai vợ chồng trẻ cứ đi và đi, rong ruổi gieo những hạt nắng ấm áp đến những nơi lạnh giá, thiếu vắng nụ cười. Không cần biết những người dân ấy có thuộc hộ nghèo hay không, đi đến đâu, hễ thấy ai khổ quá thì em tặng ngay cho họ.
Tính đến nay, Tuân đã làm từ thiện cho bệnh nhân K, vô sinh, bệnh nhân nghèo được 11 năm; tặng quần áo ấm cho trẻ em được 8 năm; tặng quà tết cho người khó được 6 năm. Tết nào cũng khoảng 100 - 130 suất quà cho trẻ mồ côi, người già neo đơn, mỗi phần quà trị giá từ 700.000 đồng tới hơn 1.000.000 đồng. Tuân đã xây 3 căn nhà cho người đặc biệt. Đầu năm 2023, Tuân nhận đỡ đầu cho một bé tàn tật lên 3 tới năm 18 tuổi, mỗi tháng hỗ trợ cho bé 500.000 đồng… Và mỗi chuyến đi, trong xe của Tuân luôn có hàng tạ gạo tẻ ngon, đóng sẵn 5 kg để tặng cho ai đói khổ nếu gặp trên đường… Tuân nói, những việc làm đó, em sẽ chỉ dừng lại khi không còn thở.
Vì đâu nắng tỏa
Tuân dang tay giúp người, vì em chứng kiến nhiều người khổ quá. Xung quanh em là những người đồng bào Thái, Mông, Dao, đời sống rất khó khăn. Thế nên, em nói, em làm việc thiện không phải là cho họ, mà là cho chính bản thân mình, để tim mình thanh thản.
Tuân dang tay giúp đỡ họ còn bởi chính Tuân đã có những trải nghiệm cay đắng ấy. Gia đình cậu từng xảy ra biến cố. Bao nhiêu ngày không có lấy một hạt cơm, mẹ con ôm nhau khóc, chỉ biết uống nước để sinh tồn, trong vòng 1 tháng Tuân sụt 12 kg. Có lúc, khủng hoảng quá mức, Tuân đã nghĩ đến cái chết. Ám ảnh về cái đói, cái rét quá khủng khiếp, nên khi ổn, việc đầu tiên cậu nghĩ tới là giúp người nghèo.
Tuân kể, chính những tháng ngày thoi thóp ấy, em đã được nhiều cánh tay dang ra che chở. Có người bạn đã cứu lấy em, có cô gái lặn lội vài trăm cây số mang gạo cho em, đưa em thoát lên từ vực thẳm. (Cô gái ấy là Thìn, sau này là vợ của Tuân). Bởi vậy, Tuân đã tự hứa với mình, còn sống, thì sẽ giúp người, phải giúp người. Với em, đó là lẽ tự nhiên, là cách em trả ơn cuộc đời này.
Biến cố qua đi, Tuân càng trân trọng hơn giá trị của đồng tiền. Với bản thân, cậu tiết kiệm đến từng xu lẻ, nhưng lại sẵn sàng dừng chân, tặng người lạ, người không may gặp họa tiền trăm, tiền triệu mà không mảy may tiếc xót.
Bàn tay ươm nắng
Điều tôi cảm phục nữa ở Tuân là cách cậu cho đi. Bao ngày giá rét căm căm, gió bấc, tuyết bay, em không quên dẫn vợ và cả hai con cùng đi làm việc thiện. Tôi hỏi sao em cho hai đứa trẻ đi làm chi khi chúng còn quá nhỏ. Tuân cười, em muốn chúng phải có lòng nhân ái, sống thảo thơm với những mảnh đời bất hạnh. Em mong chúng lớn lên cũng làm được nhiều việc tốt, biết trân quý những giá trị sống, trân quý những gì mình may mắn có được.
Nhưng không dừng lại ở việc cho họ "con cá", Tuân còn âm thầm nghĩ cách để tặng họ "chiếc cần câu" trong khả năng của mình. Hiện, em đang tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người. Trong đó hàng chục người làm thuốc với em, hàng trăm người em kết nối với bên xây dựng. Em nói, chỉ bằng cách ổn định cuộc sống, tăng thu nhập thì cuộc đời họ mới mong có nắng.
Tôi tạm biệt Tuân. Ngước nhìn lên, tôi thấy cây pơ mu trên núi cao và xanh quá. Tán cây trùm lên tỏa khắp cả một vùng, mướt mắt, lung linh trong nắng thu…