"Đi chữa lành thôi !"
Đầu tháng 10.2023,ìsaongườitrẻđichữalàstarbucks Trần Thị Như Ý, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM, đăng trên Facebook cá nhân dòng trạng thái "Đi chữa lành thôi!", kèm theo tấm hình đang hòa mình với thiên nhiên.
"Có những lúc mình cảm thấy cơ thể mệt mỏi, tinh thần xuống dốc. Khi đó, mình cần được chữa lành bằng cách tham gia những chuyến đi du lịch", Như Ý chia sẻ với người viết.
Trên thực tế, hiện nay nhiều bạn trẻ cứ cho rằng về với thiên nhiên là sẽ được chữa lành. Điển hình, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, chúng tôi có tham gia một chương trình "đi du lịch chữa lành tâm hồn" ở tỉnh Đồng Nai, do anh N.T.T (34 tuổi) làm trưởng đoàn.
Anh T. giới thiệu: "Trước đây, tôi làm bất động sản ở TP.HCM, nhưng gặp biến cố rồi về quê sinh sống, mở các chương trình du lịch chữa lành. Thật ra, tôi cũng khá mơ hồ về chữa lành. Nhưng theo trải nghiệm cá nhân thì khi mình gặp vấn đề liên quan đến tâm lý hay sức khỏe sẽ tìm về với thiên nhiên để chữa lành. Nơi đây là chất xúc tác để sự bình yên trong lòng được trỗi dậy".
Trong hành trình trên, chúng tôi được khám phá rừng Mã Đà, chèo SUP ở hồ Trị An, trải nghiệm không gian sinh thái và ẩm thực tại nhà người dân… Sau chuyến đi cảm thấy được thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng, còn để chữa lành tâm hồn thì… rất mông lung.
"Mình thấy du lịch chữa lành cũng giống trải nghiệm vui chơi khác. Đi để mở mang kiến thức chứ còn giải quyết những phiền muộn, nỗi lo thì chỉ có bản thân mới làm được", Nguyễn Thanh Sơn (26 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM), người tham gia cùng đoàn với chúng tôi, chia sẻ.
Trên các trang mạng xã hội, xuất hiện rất nhiều hội, nhóm liên quan đến chữa lành như: "chữa lành tự nhiên", "tự chữa lành", "thôi miên chữa lành", "du lịch chữa lành"… Thậm chí, có nơi lên đến hàng trăm ngàn thành viên tham gia. Họ chào mời với vô vàn lời lẽ mật ngọt cùng những lời khuyên, giải quyết các vấn đề tinh thần, tâm lý chẳng khác gì một chuyên gia thứ thiệt.
Chữa lành… trực tuyến
Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm được vài năm, N.H.P (26 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM) bắt đầu cảm thấy mông lung, cảm nhận cuộc sống còn thiếu gì đó nhưng không biết chính xác là gì. P. lúc nào cũng nghĩ chẳng lẽ cứ đi làm văn phòng như vậy cho đến lúc về hưu? Rồi tự đặt câu hỏi mình là ai, cần làm gì tiếp theo với cuộc đời này?
Khi đó, từ khóa "chữa lành" đang hot trên mạng xã hội sau đại dịch Covid-19, qua các hội nhóm trên Facebook, P. tham gia một sự kiện chữa lành trực tuyến với hơn chục người khác vì nghĩ sẽ giúp bản thân giải quyết được vấn đề mình đang gặp phải.
"Trong buổi đó, ngoài mình còn có 10 chị khác tham gia, họ đều đã ly dị và cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Có một người nhận là huấn luyện viên cá nhân hướng dẫn mọi người lập mục tiêu rồi tuyên bố hùng hồn rằng bạn sẽ làm được. Họ lấy lý do vì bạn không có tình yêu hoàn hảo nên cần tập trung vào sự nghiệp, đặt mục tiêu tăng thu nhập gấp nhiều lần hiện tại thì tự khắc sẽ thấy ổn", P. kể lại và nói dù là đi chữa lành, nhưng bầu không khí trong sự kiện không khác gì một hội nghị đa cấp.
Sau khi kết thúc chương trình, các thành viên tham gia được hướng dẫn liên hệ với huấn luyện viên để tiếp tục chữa lành, tuy nhiên sẽ có thu phí, nhưng không tiết lộ hay cam kết điều gì, chỉ đóng tiền tham gia rồi mới biết.
"Mình cảm giác giống bị "tẩy não" hơn, có thể thời gian đầu sẽ thấy vui, nhưng lâu dài vì vùi đầu vào những con số, chuyện kinh doanh mà quên đi vấn đề bản thân gặp phải, thậm chí cho rằng trải nghiệm trong quá khứ là "rác" thay vì thấu hiểu chính mình", P. nhận xét.
Còn N.T.T.L (27 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), cho biết từ giữa năm ngoái, khối lượng công việc nhiều, không thể đảm đương nổi, cô nghỉ việc ở một công ty truyền thông. Sau đó, L. thử việc ở nhiều nơi nhưng không suôn sẻ và chuyển sang làm tự do từ đầu năm nay.
Áp lực khó kiếm việc làm như ý muốn, tự thấy bản thân là người thất bại nhưng không dám chia sẻ với gia đình vì sợ mọi người lo lắng, cô gái đắm mình vào những video dạy chữa lành trên mạng xã hội từ việc ăn uống đến suy nghĩ.
"Thời gian đầu, bản thân cũng cải thiện nhờ vào những video kiểu hãy là chính mình, tự tin với lựa chọn của bạn rồi tương lai sẽ dẫn lối. Mình thấy được xoa dịu ở thời điểm đó, nhưng sau một thời gian, đâu lại vào đấy", L. tâm sự.(còn tiếp)
Có những lúc mình cảm thấy cơ thể mệt mỏi, tinh thần xuống dốc. Khi đó, mình cần được chữa lành bằng cách tham gia những chuyến đi du lịch.
TRẦN THỊ NHƯ Ý, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM
Chữa lành là gì ?
Tiến sĩ Giang Thiên Vũ, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay xét về góc độ tâm lý học sức khỏe, chữa lành chính là sự phục hồi tâm lý bằng các nguồn lực bên trong và bên ngoài xã hội khi một ai đó đương đầu với nghịch cảnh hoặc các vấn đề gây khó chịu trong cuộc sống. Mục tiêu cuối cùng của "chữa lành" chính là cân bằng đời sống tâm lý (sức khỏe tâm thần) của con người và tạo ra cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống.
"Những ai đang muốn chữa lành thì chỉ nên tìm các trung tâm tư vấn, tham vấn trị liệu, hay các phòng khám liên quan đến tâm lý, hoặc đến bệnh viện, cơ sở y tế có phòng khám tâm lý lâm sàng. Cũng có thể tìm đến những người được đào tạo bài bản về tâm lý học nói chung, với trình độ thạc sĩ trở lên mới có thể thực hiện chức năng đánh giá và tham vấn, trị liệu tâm lý cho các cá nhân có nhu cầu", tiến sĩ tâm lý Giang Thiên Vũ cho biết.