Mỗi con lợn mất gần 1 triệu đồng
Trao đổi với Thanh Niênngày 7.9,Đứtđàtănggiávìsaogiálợnhơigiảgold rush bà Nguyễn Thị Năm, chủ trại lợn tại thôn Từ Tây, xã Yên Phú, (H.Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), cho biết trong những ngày vừa qua giá lợn hơi giảm xuống 58.000 đồng/kg, trong khi cuối tháng 7 và đầu tháng 8, giá ổn định 64.000 - 65.000 đồng/kg.
"Chưa đầy một tháng, giá lợn hơi giảm 6.000 - 7.000 đồng/kg. Mỗi con lợn 120 - 140 kg xuất chuồng sẽ thiệt hại gần 1 triệu đồng so với tháng trước", bà Năm nói.
Cũng theo bà Năm, trái ngược với đà giảm sâu của giá lợn hơi, giá lợn giống vẫn cao. Mỗi con lợn giống vẫn đang giữ giá 1,3 - 1,4 triệu đồng con, dù đã giảm 100.000 đồng/con so với tháng 7. "Thời điểm này các trại sẽ vào đàn để bán tết nhưng giá lợn giống cao, trong khi lợn hơi xuất chuồng giảm giá nên chúng tôi cũng không mặn mà với lợn vụ tết", bà Năm nói.
Báo cáo của Bộ Công thương ghi nhận, trong tháng 8, giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm, xuống dưới 60.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại miền Bắc khoảng 58.000 - 59.000 đồng/kg. Giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên khoảng 57.000 - 58.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg. Giá lợn hơi miền Nam khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg, giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Bộ Công thương nhận định, giá lợn giảm là do tháng 7 âm lịch là mùa ăn chay, là thời điểm tiêu thụ thịt lợn thấp nhất trong năm. Các trường học cũng đang nghỉ hè nên mức tiêu thụ thịt lợn thấp...
Thịt lợn nhập khẩu, nhập lậu ép giá trong nước
Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong tháng 7, Việt Nam nhập khẩu 13.180 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh, đông lạnh với tổng trị giá 35,37 triệu USD, tăng 31,5% về lượng so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 7 cũng là tháng thứ 3 liên tiếp lượng thịt lợn nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết giá thịt lợn hơi đồng loạt giảm trên cả nước trong tháng 8 có tác động từ thịt lợn nhập khẩu và lợn sống nhập lậu.
Trong những tháng vừa qua, ngành chăn nuôi lợn trong nước đã phục hồi và trên đà tăng trưởng nhưng hiện nay lượng thịt nhập khẩu rất lớn. Ngoài thịt lợn nhập khẩu chính ngạch, ở các tỉnh biên giới Tây Nam còn có tình trạng nhập lậu lợn sống từ Campuchia, Thái Lan đưa về trong nước giết mổ.
"Theo thông tin chúng tôi nắm được, mỗi ngày hiện có 3.000 - 4.000 con lợn sống được nhập lậu về Việt Nam. Số lượng này không nhiều nhưng nó gây ra hiệu ứng không tốt cho thị trường. Khi lợn nhập lậu được bán tống bán tháo, giá thấp hơn trong nước thì thương lái sẽ ép giá lợn hơi trong nước xuống thấp. Chúng tôi sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương vào cuộc. Nếu để mất kiểm soát, tình trạng nhập lậu lợn sống sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ đối với chăn nuôi trong nước", ông Dương nói.